Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho
Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Cổ tích loài vật
Thạch Sùng vốn nghèo khó nhưng với mánh khóe làm ăn không bao lâu đã trở nên giàu có và có địa vị. Tuy nhiên, trong một lần khoe mẽ tài sản cùng tên họ Vương vì bị thua mà đã trắng tay. Sau đó, hắn chết đi hóa thành con thạch sùng thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu.
Ngày xưa, có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng. Họ sống chui rúc trong một túp lều gần chợ, xin ăn qua ngày. Cuộc sống thật là vất vả. Nhưng Thạch Sùng là người có chí kinh doanh lớn, lại có nhiều thủ đoạn. Từ lâu hai vợ chồng ăn nhịn để dành, lần hồi góp nhặt một số vốn chôn ở góc nhà. Số tiền ấy ngày một lớn mãi lên. Nhưng họ vẫn giả bộ nghèo khó, làm nghề hành khất như cũ. Một hôm Thạch Sùng đi ăn xin về khuya. Dọc theo bờ sông ông trông thấy hai con trâu từ dưới nước lội lên và húc nhau chí tử. Đoán biết ấy là điềm trời sẽ mưa lụt to, nên từ đó có bao nhiêu tiền chôn, ông đào lên đong gạo tất cả. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt kinh khủng, nước lênh láng khắp mọi miền: mùa màng, nhà cửa và súc vật v.v… đều trôi nổi. Nạn đói đe dọa khắp mọi nơi. Giá gạo từ một tăng lên gấp mười rồi dần dà tăng lên gấp trăm. Thế mà vẫn không ai có gạo để bán.
Thạch Sùng chờ đến lúc dân tình cùng kiệt mới ném số gạo tích trữ của mình ra. Có những nhà giàu phải đổi cho ông ta một thoi vàng mới được một đấu gạo. Từ khi có vốn, hai vợ chồng Thạch Sùng thôi nghề bị gậy. Họ đem tiền cho vay một vốn năm bảy lớp lãi. Thế rồi chẳng bao lâu Thạch Sùng nghiễm nhiên trở thành một phú ông. ạng ta tậu biết bao nhiêu là trâu bò ruộng vườn, những thứ đó mỗi năm mỗi nhiều lên mãi. Nhưng Thạch Sùng còn có nhiều mánh khóe làm tiền khác. Ngoài việc thu lúa rẽ, cho vay lãi, ông ta còn buôn bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng dong buồm đi khắp mọi cửa biển. Rồi hắn thông lưng với bọn cướp trong vùng. Mỗi một chuyến làm ăn, chẳng những được chia phần mà hắn còn oa tàng và tiêu thụ hộ những của bất nghĩa. Cứ như thế sau mười năm, Thạch Sùng trở nên một tay cự phú, tiền của châu báu như nước như non, không ai địch nổi. Những tay thiên hộ bá hộ so với hắn chỉ bằng cái móng tay.
Có tiền trong tay, Thạch Sùng rất dễ kiếm được địa vị. Hắn dâng vua bao nhiêu là vàng bạc ngọc ngà, nên được vua phong tước quận công. Hắn ra ở kinh thành, xây dựng phủ đệ, không khác gì phủ đệ của ông hoàng bà chúa. Trong phủ đệ của hắn có một trăm nàng hầu vợ lẽ, người nào người ấy ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Còn hắn và vợ con thì giờ đây sống một cách xa xỉ, đến nỗi trong nước trừ hoàng đế ra khó có một người nào dám sánh. Hồi đó ở kinh đô có một người em hoàng hậu họ Vương. Y cũng là tay cự phú nổi tiếng tiền rừng biển bạc và xài phí vào bậc nhất. Một hôm, y gặp Thạch Sùng trong một bữa tiệc đủ các bậc vương công đại thần. Câu chuyện dần dần chuyển thành một cuộc khoe của giữa hai bên. Họ Vương nói: “Bọn nô tỳ nhà tôi đều mặc đồ tơ lụa. Chúng nó đông đến nỗi năm hết tết đến phải có hàng kho vải lụa để may mặc cho chúng mới tạm đủ”. Thạch đáp: “Bọn nô tỳ nhà tôi thì phải có lúa gạo của cả một huyện mới đủ cho chúng ăn”. Vương lại khoe: “Bếp nhà tôi phải dùng đường thay cho củi”. Nhưng Thạch cướp lời: “Để sưởi ấm các phòng trong mùa đông, chúng tôi phải đốt mỗi ngày hàng hòm nến”. Nghe bọn họ không bên nào chịu bên nào, có một vị quan khách dàn xếp: “Hai ngài cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin.
Một hôm nào đó, hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho”. Cả hai người đều khảng khái nhận lời. Đến ngày đấu của, có mấy vị đại thần ra làm chứng cho bọn họ. Hai bên ký vào giấy giao ước. Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức. Đầu tiên, Vương sai lấy lụa căng làm màn trần trong tất cả các dinh thự của mình. Đến lượt Thạch Sùng hắn sai lấy gấm căng che và trần trướng tất cả mọi nhà cửa của hắn. Thấy vậy, Vương sai lấy thủy tinh thay ngói lợp tất cả các nhà cửa phủ đệ của y, khiến chúng trở thành những tòa lầu sáng choang như ngọc. Nhưng đối lại, Thạch Sùng sai lấy ngọc thạch cho thợ đá cắt ra từng phiến lát cái sân ở trước nhà. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi Thạch Sùng. Cuộc đấu của lại tiếp tục. Thạch hỏi Vương: “Nhà ngươi có san hô chăng?” Vương đưa ra một cây san hô cao mấy thước, và hỏi lại: “Nhà ngươi có tê giác không?” Thạch bĩu môi ra hiệu cho một người hầu bưng ra một bộ đồ trà bằng sừng tê nạm ngọc. Cả hai người còn khoe nhiều nữa, chưa ai chịu thua ai. Đến lượt họ bắt đầu khoe các vật kỳ lạ. Thạch Sùng nói: “Ta có con thiên lý mã mua từ bên Thiên Trúc về mỗi ngày chạy được một ngàn dặm”. Người ta xúm nhau xem và tán tụng con ngựa quý. Nhưng Vương lại mời họ về vườn của mình thưởng thức một con hươu có hai cái đầu. Lần này Thạch Sùng yên lặng khá lâu. Tiếng xôn xao nổi lên khắp nơi. Ai cũng tưởng Thạch Sùng đã hết cả vật quý. Nhưng bất ngờ hắn rút trong bọc ra một viên ngọc và nói: “Ta có một viên ngọc, mùa nóng đeo vào thì mát, mùa rét đeo vào thì ấm. Tôi chắc trong thiên hạ có một không hai”. Thấy thế họ Vương bắt đầu bối rối. Y toan sai người vào mượn hoàng hậu viên ngọc như ý để địch lại, nhưng ngay lúc đó một viên hoạn quan ngồi bên cạnh, nói nhỏ vào tai hắn mấy câu. Thế rồi người ta thấy Vương quay sang hỏi Thạch Sùng : “Nhà người tuy rất giàu nhưng có đầy mà không đủ. Ta thì cho rằng thế nào trong nhà nhà ngươi cũng còn thiếu nhiều đồ vật”. Thạch Sùng đang cơn đắc ý: “Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu nhà ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu, ta sẽ mất với nhà ngươi không phải mười thúng vàng mà còn tất cả gia sản nữa. Trái lại, nếu ta mà có đủ thì nhà ngươi cũng phải mất cho ta y như vậy!”. Thế rồi trong một cơn kiêu căng đến cực điểm, Thạch bắt Vương cùng mình ký tên vào bản giao ước mới. Khi ký xong, Vương bảo hắn: “Nhà ngươi hãy đưa mau ra đây cho các vị xem mẻ kho của nhà ngươi đi”. Nghe đến đó, Thạch Sùng giật mình. Mẻ kho là thứ gì hắn cũng đã biết. Đó là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn. Ngày xưa hồi còn hàn vi, hắn đã từng đi nhặt vật đó trong đống rác đưa về đánh chùi để kho cá. Nhưng đã từ lâu, lâu quá rồi, hắn không còn nhớ đến thứ đồ dùng hèn hạ ấy nữa. Vì nhà hắn bây giờ toàn dùng đồ đạc bằng vàng bạc, tệ nhất cũng bằng đồng thau, có bận tâm chứa những thứ của ấy để làm gì. Nhưng hắn cũng cố giục bọn đầy tớ lục tìm trong xó vườn góc bếp xem sao. Tìm đi kiếm lại khắp mọi nơi mà vẫn không nhặt được dù chỉ là một mảnh nồi vỡ. Quả là nhà Thạch Sùng không thể làm gì kiếm được những món ấy. Thế rồi sau đó một lúc lâu, những người làm chứng công nhận sự thắng cuộc về phía em hoàng hậu. Thạch Sùng không ngờ mình bị thua một vố đau như thế. Hắn cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ v.v. .. đều chạy sang tay họ Vương. Còn lại một mình ngồi trong túp lều, hắn tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay tay trắng lại hoàn tay trắng. Rồi hắn chết, hóa thành con mối tức là con thằn lằn, cũng gọi là con thạch sùng. Loài mối thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng “Thạch Thạch” là vì thế.
Ngày nay người ta còn có câu tục ngữ:
Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho , có ý nói trên đời khó có ai được hoàn toàn đầy đủ.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.
Ông Dã Tràng vì công cứu rắn và đôi ngỗng mà đã được hậu tạ bằng 2 viên ngọc quý mà ông luôn...
Chuyện kể về hai vợ chồng chàng trai nọ, khi người chồng giả vờ chết đi vợ đã nhanh chóng có nhân...
Ngày xưa có hai chị em với tính tình trái ngược nhau, người chị xinh đẹp nhưng lười biếng còn người...
Ông sư vì muốn đắc đạo quyết tâm lên đường đi tìm Phật. Trên đường đi, ông đã giác ngộ được...
Truyện kể về một hòa thượng mang tiếng chân tu, chính vì thế Phật Bà Quan Âm thử lòng bằng một cô...
Chuyện về hai cô cháu nghèo khó sống nương tựa nhau. Một hôm khi mót được ít lúa và nấu nồi cháo,...
Gốc Tích Tiếng Kêu Của Vạc, Cộc, Dủ Dỉ, Đa Đa Và Chuột
Cò và Vạc, Cộc, Dủ Dỉ, Đa Đa Và Chuột vốn là anh em thân thiết. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi...
Trâu và bò là hai anh em kết nghĩa nhưng tính tình trái ngược nhau. Vì lười biếng không được trâu cho...
Sự tích con bọ hung
Sự tích con bọ hung hé lộ lý do bọ hung đi hốt phân vì đã truyền sai lệnh của nhà trời xuống trần...
Sự tích chó mèo ghét nhau
Chó và mèo vốn chơi thân với nhau. Mèo có ơn với chó. Nhưng sau khi về ở với con người thì chó trở...
Sự tích hoa Mào gà
Sự tích hoa Mào gà - Câu chuyện cổ tích Việt Nam ý nghĩa kể về sự tích loài hoa Mào gà đồng thời...
Sự tích con Thạch Sùng
Chàng Thạch Sùng từ một chàng trai nghèo khó trở thành một phú ông. Nhưng vì quá đắc ý tự mãn nên...
Sự tích con ve sầu
Người anh hết mực thương em mình còn người em ích kỉ hiểu lầm anh. Đến khi nhận ra đã quá muộn...
Sự tích con chuồn chuồn
Chuồn Chuồn được giao nhiệm vụ trông coi thời tiết. Dù được Tò Vò nhắc làm tổ để đề phòng...
Danh sách những truyện cổ tích việt nam hay nhất: Truyền thuyết Thánh gióng, truyện cổ tích tấm cám, sọ dừa, truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thuyết hồ hoàn kiếm, sự tích trầu cau, sự tích con rồng cháu tiên, truyền thuyết thành cổ loa, Cóc kiện trời, Sự tích Táo Quân, chú thỏ tinh khôn, Sự tích chùa Một cột, Chàng ngốc học khôn, Sự tích sấm sét, Sự tích hoa Mào gà, Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung, truyện cổ tích trí khôn của ta đây, Sự tích con chuồn chuồn, Sự tích Hòn Vọng Phu, Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, sự tích cây khế, Sự tích Thánh làng Chèm, Sự tích thỏ tai dài đuôi ngắn, Sự tích hoa mười giờ, Sự tích chim Quốc, Sự tích công chúa Liễu Hạnh, Cây táo thần, thạch sanh,…
Tổng hợp các câu chuyện cổ tích thế giới hay và ý nghĩa nhất, truyện cổ grimm, truyện cổ Andersen, cổ tích thần kỳ: Nàng công chúa ngủ trong rừng, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Nàng công chúa chăn ngỗng, Cô bé lọ lem, Chú bé tí hon, Ông lão đánh cá và con cá vàng, nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, Truyện cổ tích Bà chúa tuyết, Aladdin và cây đèn thần, Ba sợi tóc vàng của con quỷ, Hoàng tử ếch, Con quỷ và ba người lính, Cô bé quàng khăn đỏ,…
Truyện xem nhiều
Truyện mới nhất