Những câu chuyện hạt giống tâm hồn về lòng biết ơn
“Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu luôn luôn nhìn thấy những gì mình không có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ được” Frank A.Clark
Người xưa cũng thường nói, mang ơn một giọt, trả ơn một dòng, lòng biết ơn là đạo lý làm người mà bất cứ ai cũng phải tuân theo. Đó không chỉ đơn thuần là hành động đền đáp, mà còn là tình cảm, sự nhận thức của mỗi người. Biết ơn là khi ta luôn ghi nhớ những người đã giúp đỡ mình, bất kể đó là việc nhỏ hay việc lớn. Có khá nhiều những câu chuyện hạt giống tâm hồn kể về lòng biết ơn để dạy ta cách học làm người.
- Những câu chuyện về Quà tặng cuộc sống hay và ý nghĩa nhất
- Tổng hợp những câu chuyện cổ tích về phong tục tập quán
1. Bàn tay của mẹ
Có một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân ông Giám đốc phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng. Ông Giám đốc phát hiện ra một điều từ CV của chàng trai trẻ rằng trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc. Từ trường Trung học cho đến khi vào Đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào mà chàng trai này không đạt được danh hiệu xuất sắc.
Ông Giám đốc hỏi, “Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”.
“Không bao giờ”, chàng trai trả lời.
Ông Giám đốc bèn hỏi tiếp, “Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”.
Chàng trai trẻ trả lời: “Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?” Ông Giám đốc hỏi.
Chàng trai trẻ bèn trả lời, “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.
Ông Giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.
Ông Giám đốc hỏi:” Vậy trước đây có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”.
“Chưa bao giờ”, chàng trai trẻ trả lời, “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi.”
Ông Giám đốc nghe thấy vậy bèn nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.
Chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình vào công ty này rất cao. Anh ta liền vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, bà bèn đưa hai bàn tay mình ra cho chàng trai.
Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ mình thật là nhăn nheo, hơn nữa hai bàn tay còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được bà mẹ khẽ rùng mình mỗi khi chàng trai rửa chúng trong nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta ở trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh ta.
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của bà mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại công ty phỏng vấn.
Ông Giám đốc nhận thấy nước mắt còn đọng trên khóe mắt của chàng trai trẻ bèn hỏi:” Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”
Chàng trai trả lời:” Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”
“Vậy anh hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?” Ông Giám đốc hỏi.
Chàng trai trẻ bèn trả lời:
Thứ nhất: Tôi đã biết được thế nào là “Nhận thức”. Nếu không có mẹ tôi thì tôi sẽ không có được sự thành công như ngày hôm nay.
Thứ hai: Chỉ khi làm việc chung và giúp đỡ mẹ tôi, giờ tôi mới biết được sự khó khăn và vất vả để hoàn thành được công việc.
Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.
Ông Giám đốc nói: “Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình. Xin chúc mừng. Anh đã được tuyển.”
Sau đó, chàng trai trẻ làm việc rất chăm chỉ và nhận được sự nể trọng của các nhân viên của mình. Mỗi thành viên trong nhóm làm việc rất cần cù và đoàn kết. Tình hình kinh doanh của công ty phát triển đạt mức doanh thu cao một cách đáng kinh ngạc.
Bài học cuộc sống: Câu chuyện không chỉ khuyên chúng ta nên coi trọng tình cảm gia đình thay vì chỉ chăm chăm đọc sách hay làm việc, câu chuyện muốn nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ ai cũng nợ cha mẹ mình, họ là những người đã dành cả cuộc đời cho chúng ta, vì vậy, phải biết ơn và hiểu được sự khó nhọc của họ. Không chỉ với cha mẹ, với bất cứ ai giúp đỡ chúng ta, chúng ta cũng phải biết ơn họ và đền đáp.
2. Câu chuyện nhỏ
“Vào cái thời mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện của một cậu bé lúc đó 10 tuổi: Vào một hôm nọ, Jim – đó là tên của cậu, sau một hồi đi qua đi lại trước cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, ngó vào quán nơi mà có món kem hoa quả mà cậu rất thích. Mạnh dạn cậu bé đẩy nhẹ cánh cửa và bước vào. Jim chọn một bàn trống ngồi xuống và đợi người phục vụ đến.
Chỉ vài phút sau, một người phục vụ lại gần đặt lên bàn cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một ly kem nước hoa quả ạ?”.“50 xu” cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, cậu bé lại hỏi: “vậy bao nhiêu một ly kem bình thường ạ?”. “35 xu” cô phục vụ kiên nhẫn trả lời cậu bé, mặc dù cửa hàng rất đông và đang cần phục vụ nhanh.
Cuối cùng, người phục vụ mang ra món kem mà cậu đã gọi và sang phục vụ cho những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn sau đó ra về. Khi người phục vụ quay lại để dọn bàn và lấy tiền kem, cô đã bật khóc khi nhìn đến tiền trên bàn, trên bàn có 2 đồng kẽm và 5 đồng xu lẽ đặt ngay ngắn trên bàn bên cạnh 35 xu trả cho ly kem mà khi nãy cậu bé đã gọi. Jim đã không thể ăn món kem nước hoa quả mà cậu rất thích bởi vì cậu chỉ đủ tiền để trả cho ly kem bình thường và một ít tiền boa cho cô".
Bài học cuộc sống: Văn hóa cho tiền phục vụ là một trong những văn hóa của người phương Tây, nhiều người cho rằng điều này thể hiện đẳng cấp của người cho tiền, nhưng thực chất, hành động này nhằm mục đích thể hiện sự cảm ơn của người được phục vụ dành cho người phục vụ. Cậu bé trong câu chuyện có tấm lòng nhân hậu, tốt bụng, luôn biết ơn những người giúp đỡ mình, đây là một hành động rất đáng khen cần học hỏi.
3. Giá trị của lòng biết ơn
Hồi ấy tôi mới 13 tuổi và thường cứ mỗi thứ bảy là tôi lại được bố dẫn đi chơi. Có lúc bố dẫn tôi ra công viên, có lúc lại đưa tôi ra bến cảng ngắm nhìn những con tàu. Thế nhưng tôi thích nhất là được bố dẫn đến các cửa hàng bán đồ cũ. Ớ đấy tôi tha hồ ngắm nghĩa và trầm trồ thưởng lãm các món đồ điện tử cũ kỹ. Thỉnh thoảng bố cũng mua cho tôi một món gì đó giá 50 xu chỉ để về nhà tháo tung nó ra.
Trên đường về nhà sau những chuyến đi chơi ngắn ngủi ấy, bố thường dừng lại ở tiệm kem có tên Nữ Hoàng để mua cho tôi một cây kem hình nón giá 10 xu. Không phải lần nào cũng thế nhưng gần như thường xuyên tôi được bố mua kem cho. Dau không cố nghĩ đến nhưng lòng tôi cứ khấp khỏi hy vọng mỗi khi hai bố con về đến ngã rẽ quyết định", nơi mà bố sẽ đưa tôi thẳng đến tiệm kem hoặc quẹo về nhà mà chẳng mua gì. Với tôi, đó là góc đường chứa đựng cả niềm thích thú lẫn nỗi thất vọng.
Có vài lần, bố trêu tôi bằng cách đi thẳng.
- Bữa nay bố về đường này chỉ là để đổi không khí thôi đó nha.
Bố nói như thế khi lái xe ngang qua tiệm Nữ Hoàng mà không dừng lại. Dĩ nhiên bố chỉ đùa thôi, và tôi cũng đã no bụng rồi, chứ không phải bố muốn trêu tức gì tôi.
Tuyệt nhất là những ngày bố hỏi tôi bằng một giọng 'lịch sự' ra vẻ chẳng 'tính toán' gì trước cả.
- Con có thích ăn kem nón không?
Lúc ấy tôi sẽ trả lời:
- Thưa bố, còn gì tuyệt hơn nữa.
Tôi luôn chọn kem sôcôla còn bố thì kem va ni. Bố dừng xe lại và đưa tôi 20 xu để tôi chạy vào mua những loại kem mà chúng tôi thường ăn. Sau đó cả hai bố con sẽ cùng ngồi ăn trên xe. Tôi yêu bố tôi và yêu cả những cây kem - với tôi, đó là thiên đường!
Cho đến một ngày, cũng như những ngày khác, hai bố con đang trên đường về nhà và tôi thì đang cầu mong lại được nghe những âm thanh du dương từ miệng bố cất lên rủ tôi ăn kem như mọi khi. Và bố hỏi thật:
- Hôm nay con có thích ăn kem nón không?
- Thưa bố, còn gì tuyệt hơn nữa.
Nhưng lần này bố lại nói thêm:
- Bố cũng thấy tuyệt đó, con trai. Hôm nay con có muốn đãi bố không?
Hai mươi xu! Những hai mươi xu! Đầu óc tôi quay cuồng tính toán. Mình dư sức đãi bố ăn! Mỗi tuần tôi được cho 25 xu để tiêu vặt và cộng thêm một ít cho những công việc linh tinh. Nhưng tôi biết tiết kiệm tiền là rất quan trọng. Bố đã bảo vậy mà. Cho nên khi phải bỏ tiền ra để mua thì kem đối với tôi dường như là một thứ xa xỉ, không cần thiết.
Tại sao lúc đó tôi không coi đây là cơ hội ngàn vàng để tặng một điều gì đó cho người cha rộng lượng của mình? Tại sao tôi lại không nghĩ rằng bố mình đã mua cho mình cả mấy chục cây kem rồi còn mình thì chưa mua cho bố một cây nào hết? Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến chỉ là '20 xu'.
Trong một thoáng vô ơn, ích kỷ và keo kiệt, tôi đã nói ra những lời khinh khủng mà đến giờ còn vang mãi bên tai tôi.
- Thôi, nếu vậy thì con nghĩ con sẽ không ăn nữa.
Bố lặng lẽ nói:
- Được thôi, con trai.
Đến khi chúng tôi quẹo qua khúc quanh để về nhà, tôi nhận thấy mình đã sai rồi và năn nỉ bố quay lại.
- Con sẽ đãi bố mà, quay xe lại đi bố.
Nhưng bố tôi chỉ nói:
- Không sao đâu con, thực ra chúng ta đâu cần ăn kem đâu - và không để ý đến lời năn nỉ của tôi nữa, bố tiếp tục lái xe về nhà.
Tôi cảm thấy xấu hổ cho tính ích kỷ và thái độ bạc bẽo của mình. Bố không một lần nhắc lại chuyện đó và cũng không hề tỏ ra thất vọng. Tôi nghĩ là bố không cần phải làm gì cả để khắc sâu hơn lỗi lầm này trong tôi.
Tôi đã biết rằng có hai cách thể hiện sự rộng lượng và, để tỏ lòng biết on đôi khi hai chữ 'Cám ơn' không thôi vẫn chưa đủ. Ngày hôm đó, để thể hiện lòng biết on, tôi chỉ cần có 20 xu, và đó hẳn đã là cây kem ngon nhất tôi từng được ăn nếu tôi dám bỏ ra 20 xu lúc ấy để đãi bố.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe thêm một chuyện này nữa. Trong chuyến đi chơi kế tiếp của chúng tôi vào tuần sau đó, lúc gần đến ngã rẽ, tôi đã hỏi bố:
- Bố ơi, hôm nay bố có thích ăn kem nón không? Con mời.
Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chỉnh là vươn lên từ mỗi lần ngã.
Bài học cuộc sống: Một câu chuyện rất hay về cách bày tỏ lòng biết ơn, con người ta thường bị mờ mắt bởi những lợi ích tầm thường trước mắt, nên đôi khi đánh mất những điều quan trọng nhất. Vì vậy, chúng ta phải bỏ qua lòng ích kỉ của mình, đừng vì cái tôi của bản thân mà không nhận ra sự hi sinh của người khác. Lòng biết ơn cần được khắc ghi và thể hiện bằng hành động của mình.
Làm người, cần đến sự biết ơn, bởi con người ta đâu thể sống mà không nhận sự giúp đỡ của bất kì ai, hãy nhớ rằng, biết ơn trái ngược với sự ích kỉ, biết ơn giúp mọi người đến gần với nhau hơn. Đây là một đạo lý tốt đẹp mà không phải ai cũng hiểu được giá trị của nó.
Thảo Nguyên
Góc Nhìn: Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc?
Người ta định nghĩa hạnh phúc là một loại cảm giác đến từ trái tim khi con người trong trạng thái...
Đọc người là cơ bản, nhìn người là mấu chốt, làm người quan trọng nhất
Con người sống ở đời, ĐỌC người là cơ bản, NHÌN người là mấu chốt, LÀM người quan trọng nhất....
Ông bà - Cha mẹ tạo phúc, thêm đức thì con cháu an nhàn rạng rỡ!
Ông bà tạo phúc thì cha mẹ an nhàn, cha mẹ tạo thêm đức thì con cái rạng rỡ, đến đời cháu chắt...
Những câu chuyện hạt giống tâm hồn về lòng biết ơn
Lòng biết ơn là một đạo lý làm người mà bất kỳ ai cũng nên có, biết ơn giúp mọi người đến gần...
Ông bà - Cha mẹ tạo phúc, thêm đức thì con cháu an nhàn rạng rỡ!
Ông bà tạo phúc thì cha mẹ an nhàn, cha mẹ tạo thêm đức thì con cái rạng rỡ, đến đời cháu chắt...
Đọc người là cơ bản, nhìn người là mấu chốt, làm người quan trọng nhất
Con người sống ở đời, ĐỌC người là cơ bản, NHÌN người là mấu chốt, LÀM người quan trọng nhất....
Góc Nhìn: Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc?
Người ta định nghĩa hạnh phúc là một loại cảm giác đến từ trái tim khi con người trong trạng thái...
Danh sách những truyện cổ tích việt nam hay nhất: Truyền thuyết Thánh gióng, truyện cổ tích tấm cám, sọ dừa, truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thuyết hồ hoàn kiếm, sự tích trầu cau, sự tích con rồng cháu tiên, truyền thuyết thành cổ loa, Cóc kiện trời, Sự tích Táo Quân, chú thỏ tinh khôn, Sự tích chùa Một cột, Chàng ngốc học khôn, Sự tích sấm sét, Sự tích hoa Mào gà, Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung, truyện cổ tích trí khôn của ta đây, Sự tích con chuồn chuồn, Sự tích Hòn Vọng Phu, Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, sự tích cây khế, Sự tích Thánh làng Chèm, Sự tích thỏ tai dài đuôi ngắn, Sự tích hoa mười giờ, Sự tích chim Quốc, Sự tích công chúa Liễu Hạnh, Cây táo thần, thạch sanh,…
Tổng hợp các câu chuyện cổ tích thế giới hay và ý nghĩa nhất, truyện cổ grimm, truyện cổ Andersen, cổ tích thần kỳ: Nàng công chúa ngủ trong rừng, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Nàng công chúa chăn ngỗng, Cô bé lọ lem, Chú bé tí hon, Ông lão đánh cá và con cá vàng, nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, Truyện cổ tích Bà chúa tuyết, Aladdin và cây đèn thần, Ba sợi tóc vàng của con quỷ, Hoàng tử ếch, Con quỷ và ba người lính, Cô bé quàng khăn đỏ,…
Truyện xem nhiều
Truyện mới nhất