Người cưới ma
Thương tiếc con gái, vợ chồng phú ông tỏ ý hối hận. Họ bỏ tiền ra làm ma chay rất hậu. Người ta bỏ vào áo quan tất cả những kỷ vật của nàng. Để tưởng nhớ lâu dài, người ta đập tấm gương soi của cô gái làm hai mảnh: một bỏ áo quan, một bỏ lên bàn thờ.
Lại nói chuyện anh đồ họ Lê, từ khi bị phú ông từ chối và cấm cửa, cũng đau xót không kém gì cô gái. Nhưng vì sinh kế, anh phải bỏ đi dạy học ở tỉnh xa. Tuy vậy anh cũng không quên theo dõi tin tức của người yêu. Khi biết nàng đã sầu não mà chết, lòng anh thương tiếc không lúc nào nguôi.
Từ đấy anh quyết định ở vậy luôn cho đến già, khước từ tất cả mọi đám do bà con mối manh hoặc tìm giúp.
Ba năm trôi qua.
Một hôm vào dịp cuối năm, anh đồ khăn gói trở về quê hương. Đường đi phải qua làng người yêu, nhưng vừa bước chân đến đấy thì trời đã tối. Bỗng trời nổi lên một cơn dông, gió bụi mù mịt. Đang đi đường thấy sắp sửa mưa to, anh đồ lật đật chạy tìm một nơi trú ẩn.
Chạy quá mấy lùm cây, thì may sao anh nhìn thấy xa xa le lói có ánh đèn. Anh vội băng đồng tìm tới. Khi đứng trước một ngôi nhà nhỏ, anh kêu cửa xin vào trọ. Cửa vừa mở, một cô gái cầm đèn bước ra. Anh hết sức ngạc nhiên vì người ấy chính là người yêu của mình ngày xưa, anh kêu lên:
– Ôi! Người hay ma đây? Nghe người ta đồn là nàng đã chết rồi kia mà? Tại sao bây giờ ở đây?
Cô gái tươi cười đáp:
– Thiếp chưa chết đâu.
Thấy anh đồ vẫn chưa tin, cô gái nói tiếp:
– Nếu chết rồi thì làm sao còn đứng nói chuyện được với chàng đây. Mấy năm nay thiếp hằng ngày tựa cửa đợi chàng. Hôm nay được gặp lại nhau thiếp vui mừng biết mấy. Mời chàng vào nhà kẻo ướt vì mưa.
Vừa bước vào, anh đồ vừa hỏi:
– Nhà có ai không? Nàng ở với ai thế?
Cô gái cười tươi:
– Thiếp ở với người cô. Ở đây đôi ta được tự do, không ai ngăn cấm chúng mình cả.
Nghe lời nàng nói, chàng họ Lê có vẻ ngờ vực. Anh rụt rè bước vào. Trong nhà bày biện có vẻ khác với ngôi nhà cũ ngày xưa anh ngồi dạy học, nhưng anh không tiện hỏi. Nhà vắng vẻ, chỉ có bà cô già hom hem lại nặng tai. Nhưng chỉ trong một chốc, cô gái đã gọi tới năm bảy người có cả đàn ông đàn bà. Họ vật lợn, giã giò, đồ xôi, gói bánh, khiêng bàn dọn ghế rất tấp nập. Anh hỏi cô gái khi cô ngồi lại bên cạnh:
– Nàng cho giết lợn đồ xôi làm gì vậy?
Cô đáp:
– Để làm lễ cưới chúng ta đấy! Sao chàng hiểu chậm thế!
Anh đồ ngạc nhiên hỏi:
– Không có bố mẹ họ hàng hai bên dự sao?
Cô gái cười:
– Có chứ, có cô ruột, có ông bà nội. Nhưng cũng phải làm giấu giếm một tí. Nếu có bố mẹ thì chàng chẳng lấy được thiếp đâu. Vả lại còn có xóm làng quanh đây đến chứng kiến cho đôi ta.
Cô gái thấy anh bỡ ngỡ liền dắt anh vào buồng. Trong buồng bài trí rất đẹp. Cô gái lấy tất cả kỷ vật ngày xưa hồi còn trẻ, trong đó có chiếc lược sừng cũ, anh đồ cảm thấy yên tâm hơn.
Anh rụt rè sờ thử vào người cô gái. Thấy nàng vẫn mềm mại như ngày xưa, mọi ngờ vực của anh đồ bỗng tan biến hết.
Chỉ trong một chốc, cỗ bàn đã bày xong. Khách đến dự khá đông, có cả ông bà nội cô gái, bà cô lúc nãy và nhiều ông già bà lão, khăn áo đều đẹp đẽ chỉnh tề. Người ta mời hai anh chị vào trước bàn thờ làm lễ. Mùi hương trầm sực nức. Một ông cụ khấn vái hồi lâu rồi cuối cùng quay ra chúc phúc cho hai anh chị “bách niên giai lão”. Chàng họ Lê thấy cô gái đứng trước ánh đèn, gò má đỏ lên có vẻ thẹn thò.
Sau đó, họ ngồi vào mâm. Hai vợ chồng được ngồi riêng một mâm trong buồng. Cô gái ăn nhỏ nhẹ, nhưng anh đồ đói bụng nên cảm thấy ngon miệng. Phía ngoài tiếng đũa bát chạm nhau và tiếng chuyện trò râm ran. Cuối cùng cảnh vật lại chìm vào cảnh vắng lặng như lúc mới đến.
Hai người nằm lên giường trò chuyện. Anh đồ chưa bao giờ cảm thấy mình sung sướng đến thế. Anh đọc những vần thơ tả nỗi nhớ nhung sầu muộn từ ngày cách biệt cho vợ nghe.
Cô gái hỏi anh:
– Vậy chúng ta thành vợ chồng, thỏa nguyện ước, chàng có vui không?
Anh đồ đáp:
– Có, nhưng giá cha mẹ cho phép thì còn vui sướng gấp bội.
Cô gái lại hỏi:
– Thế ngộ nhỡ có việc gì, liệu chàng còn thương thiếp nữa không?
Chàng đáp:
– Thương chứ, thương mãi mãi.
Cô gái hỏi gặng lại:
– Thiếp chết rồi chàng có còn thương thiếp nữa không?
Anh đồ đáp:
– Dù thế nào cũng thương hết mực.
Rồi sau cuộc ái ân, anh đồ lăn ra ngủ say. Đến sáng mai, khi anh bừng tỉnh dậy, thì không thấy nhà cửa ở đâu cả, chỉ thấy mình nằm trên một ngôi mộ xây rất đẹp. Anh mới biết rằng tối hôm qua, mình đã lạc vào làng ma và được gặp người yêu. Anh chỉ thấy làm lạ, rằng bụng mình vẫn no, mũi vẫn còn phảng phất mùi hương trầm.
Sau những ngày nghỉ ngơi ở quê nhà, anh đồ họ Lê lại trẩy vào mấy tỉnh đường trong để trở lại với công việc dạy học. Một năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Năm ấy tết đến, vì cơn bệnh giày vò, anh không về được. Khi lành bệnh anh lại tiếp tục dạy học cho đến tháng năm. Một hôm anh cảm thấy lòng xao xuyến, nhớ người yêu khôn tả. Hồi tưởng lại cái đêm năm xưa, anh tha thiết muốn được gặp lại nàng một lần nữa. Dù có thế nào cũng cam lòng. Anh bèn sửa soạn khăn gói từ giã đám học trò để trở về thăm quê.
Qua làng người yêu, anh không ngờ chân anh tự nhiên đưa bước theo lối cũ tới đúng cái nơi anh từng dự lễ thành hôn với người mình yêu dấu, và lần này cũng đúng vào lúc đêm hôm khuya khoắt như hôm nào. Gọi cửa anh lại thấy người yêu ra mở cửa. Nhưng trong tay nàng giờ đây còn có một đứa bé chừng bảy tám tháng. Nàng trách chàng:
– Sao chàng đến muộn thế, thiếp giận lắm đấy!
Anh đồ nhìn thằng bé hỏi:
– Con ai thế này?
Cô gái nói:
– Con chàng chứ con ai. Này thử nhìn xem, nó giống chàng như đúc.
Anh đồ vui mừng cùng dắt tay vợ vào nhà, dưới ánh đèn, anh thấy vợ có phần xinh hơn tuy rằng nước da có phần xanh hơn trước. Riêng thằng bé thì bụ bẫm khôi ngô. Nàng nhìn anh cười nói:
– Sau này chàng nhớ dạy cho nó học. Nó sẽ làm hơn bố đấy!
Sau khi ăn cơm xong, hai người lại lên giường, lần này cô gái nói:
– Hai chúng ta đã kết nghĩa vợ chồng, thật thỏa lòng mong ước. Nhưng thiếp thực sự là người cõi âm không thể chung sống với chàng lâu dài được, nay chúng ta có một đứa con, xin giao lại cho chàng nuôi nó.
Thấy chồng có vẻ ngần ngại, vợ lấy trong hòm ra một mảnh gương vỡ trao cho mà nói:
– Chàng đừng lo phải bận bịu chuyện vất vả nuôi con, từ ngày thiếp mất đi, cha mẹ thiếp rất hối hận. Vậy chàng cứ đến nhà thiếp mà ở, thế nào ông bà cũng không tuyệt tình với cháu ngoại đâu. Chàng đừng lo ngại gì cả. Với lại chàng giữ lấy mảnh gương này, khi con khóc đưa ra cho nó soi, tự khắc nó nín ngay.
Tình tự ái ân suốt đêm anh đồ lại ngủ quên, sáng dậy, cũng như lần trước, mọi cảnh vật lẫn người yêu đều biến mất. Nhưng lần này trên ngôi mộ ngoài anh ra còn có một đứa bé và mảnh gương vỡ.
Nhớ lời vợ dặn, anh đồ họ Lê ẵm con vào nhà phú ông. Sợ vợ chồng phú ông không nhận, anh chỉ xin cho mình ở nhờ để mở một lớp dạy học. Nhưng anh không ngờ vợ chồng phú ông lần này tiếp đãi mình rất tử tế, và sốt sắng nhận lời. Lại nhờ phú ông giúp đỡ, lớp học của anh đồ càng ngày một thêm đông học trò.
Từ đấy anh đồ đỡ vất vả hơn trước. Còn đứa con thì ông bà nhận nuôi nấng chăm sóc mà không tính công. Nhưng mỗi khi thằng bé khóc hờn thì không cách gì làm cho nó nín được, dỗ dành cũng dọa nạt đều chỉ phí công. Chỉ có đưa cho bố nó bế thì bao giờ cũng nín ngay.
Một hôm, phú ông để ý rình xem vì sao thầy đồ có cách dỗ con tài tình như thế. Khi trông vào mảnh gương vỡ trong tay thầy đồ, phú ông vội kêu lên, ngỡ là thầy đã tự tiện lấy trộm mảnh gương vỡ bày trên bàn thờ của con gái mình, ông liền hỏi:
– Tại sao Thầy lại dám lấy di vật của con gái tôi mà cho thằng bé chơi?
Chàng họ Lê vội vàng nói:
– Dạ không phải vậy đâu. Con nào dám tự tiện như vậy. Đây là mảnh gương của vợ con đưa để khi vắng nàng, con trẻ khóc thì đưa ra dỗ dành.
Phú ông gằn giọng:
– Có thật vậy không? Tai sao nó lại giống hệt mảnh gương của con gái ta để lại?
Anh đồ cố gắng phân trần:
– Dạ thưa đúng như thế. Nếu ông không tin thì tìm lại mảnh gương là biết rõ con nói thật hay nói dối.
Phú ông liền cho người vào lục tìm ở bàn thờ thì quả nhiên mảnh gương vỡ vẫn còn. Ông ngạc nhiên nói:
– Sao lạ thế nhỉ, Đâu? Thầy đưa mảnh gương kia cho tôi so thử xem thế nào!
Anh đồ liền đưa ra ngay. Thật không thể ngờ được, khi đưa hai mảnh gương ráp lại thì vừa khít một tấm gương tròn trịa. Cả nhà đều ngạc nhiên vô cùng. Và sự ngạc nhiên ấy lại càng tăng lên gấp bội khi vết nứt bỗng liền lại trở thành một tấm gương chưa hề bị bể.
Anh đồ khi ấy bất đắc dĩ mới đem chuyện mình gặp lại vợ như thế nào cho gia đình phú ông nghe. Từ đấy vợ chồng phú ông nhận thầy đồ làm con rể, và nhận con anh làm cháu ngoại. Anh ở vậy nuôi con không lấy vợ khác nữa. Còn đứa con thì về sau quả là học giỏi, thi đỗ làm quan đúng như lời mẹ nó báo trước.
Viên ngọc ước và con quạ trả ơn
Ngày xưa có một thằng bé chăn trâu cho một nhà phú hộ kia. Một hôm nó đánh trâu ra đồng ăn cỏ....
Xưa một nhà có 2 mẹ con, mẹ thì tính hay ăn thịt gà, con thì hết lòng chiều mẹ. Phải khi trở trời,...
Xưa có một người rất có hiếu, không may mắc tội vu oan, phải giam tù đã lâu, không ai được thăm hỏi. ...
Ngày xưa, ở tỉnh Hà Tĩnh có người đàn bà nghèo khó, cuối năm đem rau ra chợ bán để lấy tiền mua...
Xưa một nhà có hai anh em, người nào cũng đã có vợ và đã ở riêng. Vợ chồng người anh thì giầu có...
Ngày xưa ở tỉnh Thái nguyên miền Bắc, có một bà mẹ chồng sống với nàng dâu, cả hai đều góa chồng....
Ngày xưa, tại xã Khúc Phụ, Thổ Bình, châu Chiêm Hoá thuộc tỉnh Tuyên Quang miền Bắc Việt Nam, có một...
Ngày xưa có hai anh em nhà kia rất nghèo nàn. Cả hai anh em chỉ chuyên nghề bán rau đốn củi đổi gạo...
Sự tích bánh chưng, bánh dày
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con....
Cây táo thần
Ngày xửa, ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một cây táo thần mọc ở ngoại ô thành phố. Hàng ngày bọn...
Cóc kiện trời
Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết...
Tại sao có tục: “Ăn trầu ngắt đuôi”
Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên...
Quạ và Công
Xưa con công với con quạ làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Một hôm Công và Quạ ngồi...
Truyền thuyết thành Cổ Loa
Khi đã chiếm được đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong...
Danh sách những truyện cổ tích việt nam hay nhất: Truyền thuyết Thánh gióng, truyện cổ tích tấm cám, sọ dừa, truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thuyết hồ hoàn kiếm, sự tích trầu cau, sự tích con rồng cháu tiên, truyền thuyết thành cổ loa, Cóc kiện trời, Sự tích Táo Quân, chú thỏ tinh khôn, Sự tích chùa Một cột, Chàng ngốc học khôn, Sự tích sấm sét, Sự tích hoa Mào gà, Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung, truyện cổ tích trí khôn của ta đây, Sự tích con chuồn chuồn, Sự tích Hòn Vọng Phu, Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, sự tích cây khế, Sự tích Thánh làng Chèm, Sự tích thỏ tai dài đuôi ngắn, Sự tích hoa mười giờ, Sự tích chim Quốc, Sự tích công chúa Liễu Hạnh, Cây táo thần, thạch sanh,…
Tổng hợp các câu chuyện cổ tích thế giới hay và ý nghĩa nhất, truyện cổ grimm, truyện cổ Andersen, cổ tích thần kỳ: Nàng công chúa ngủ trong rừng, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Nàng công chúa chăn ngỗng, Cô bé lọ lem, Chú bé tí hon, Ông lão đánh cá và con cá vàng, nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, Truyện cổ tích Bà chúa tuyết, Aladdin và cây đèn thần, Ba sợi tóc vàng của con quỷ, Hoàng tử ếch, Con quỷ và ba người lính, Cô bé quàng khăn đỏ,…
Truyện xem nhiều
Truyện mới nhất